Trong quí đầu năm nay, các tập đoàn dầu Exxon, ConocoPhillips và Chevron nằm trong top 10 công ty mua lại cổ phiếu nhiều nhất thuộc nhóm S&P 500. Đây quả là một tin tốt lành cho các cổ đông, nhưng lại không giúp ích gì cho bao nhiêu người đang phải cắt giảm chi tiêu để bù đắp giá nhiên liệu.
Theo học viện chính sách cộng đồng của Đại học Rice, năm ngoái, 5 công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới dành 55% lợi nhuận cho việc chi trả cổ tức và mua lại cổ phiếu, gần gấp đôi con số 30% vào năm 2000 và vượt xa mức 1% năm 1993. Trong khi đó, phần trăm lợi nhuận mà các công ty này đầu tư cho việc thăm dò những mỏ nhiên liệu mới vẫn ở mức khiêm tốn trong nhiều năm, tức chỉ trong phạm vi một con số.
Vấn đề đã trở nên nhạy cảm hơn khi các nhà làm luật do lo ngại trước đà tăng của giá xăng dầu nên đã quan tâm đến những bản báo cáo lợi nhuận của ngành dầu mỏ.
Trong 3 tháng đầu năm, Exxon Mobil, công ty kinh doanh dầu lớn nhất thế giới, dành ra 8,8 tỉ USD để mua lại cổ phần trong khi chỉ đầu tư 5,5 tỉ USD cho công tác thăm dò và các dự án khác. Còn ConocoPhillips thông báo với các nhà đầu tư rằng tổng giá trị số cổ phần mua lại từ tháng 4 đến tháng 6 là khoảng 2,5 tỉ USD, gấp 9 lần số tiền chi cho công tác thăm dò.
Việc mua lại cổ phần phổ biến ở khắp các công ty Mỹ, chứ không chỉ riêng các tập đoàn dầu lớn. Động tác này nhằm giảm số cổ phiếu trên thị trường mở, gia tăng giá trị cổ phiếu và cho các cổ đông cá nhân phần sở hữu lớn hơn trong công ty.
Nhưng một vài nhà phê bình cho rằng các tập đoàn dầu tập trung quá mức vào việc nâng giá cổ phiếu. Và khi việc mua lại cổ phiếu và phân chia cổ tức lấn át việc tìm nguồn dầu mới, các nhà phê bình nhận định, thì chính các công ty dầu đang hủy hoại thị phần có chiều hướng tụt giảm của mình trong nguồn cung thế giới.
“Nếu bạn không dành ngân quỹ để tìm kiếm và phát triển những điểm khai thác mới thì dĩ nhiên sẽ không có mỏ dầu mới”, Amy Myers Jaffe, một chuyên gia năng lượng ở Đại học Rice, nhấn mạnh.
Các công ty tư nhân như Exxon Mobil và Chevron hiện nắm giữ chưa đến 10% trữ lượng xăng dầu toàn cầu, tụt giảm mạnh so với các thập niên trước. Và việc tìm kiếm nguồn dầu mới ngày càng trở nên khó khăn và tốn kém hơn. Còn các công ty dầu thuộc sở hữu nhà nước, như của Ả Rập Saudi và Venezuela, đang quản lý khoảng 80% trữ lượng dầu và với mức giá như hiện nay thì không lạ gì khi họ giữ chặt những gì mình có.
Nghị sĩ Charles Schumer ở New York nhấn mạnh việc ưu tiên mua lại cổ phiếu là dấu hiệu rõ ràng cho thấy các tập đoàn dầu không chú trọng khai thác mới hay đầu tư cho các nguồn năng lượng thay thế.
Muộn còn hơn không
Các tập đoàn dầu khẳng định họ đang cố gắng tìm thêm nhiều nguồn nhiên liệu trên toàn thế giới, nhưng những nguồn dễ tìm không còn nữa. Công việc thăm dò trong những ngày này là những dự án với chi phí rất cao ở độ sâu hàng nghìn foot dưới mặt nước tại vùng Vịnh Mexico hoặc những liên doanh tốn kém để hút dầu từ những mỏ dầu cát tại Canada.
Hai công ty TransCanada và ConocoPhillips cho biết họ đã chi 7 tỉ USD để tăng gần gấp đôi lượng dầu thô chảy từ các bãi cát Canada sang bờ biển vùng Vịnh của Mỹ.
Có điều là phải mất vài năm thì một công ty mới sản xuất được thùng dầu đầu tiên từ khu khai thác mới.
Ví dụ như trạm khai thác dầu Thunder Horse ở Vịnh Mexico do BP điều hành và có một phần sở hữu của Exxon Mobil. Trạm này chỉ vừa bắt đầu sản xuất dầu khí vào tháng trước, tức 9 năm sau khi phát hiện mỏ dầu. Theo thiết kế, khi hoạt động hết công suất, dự án này có thể sản xuất 250.000 thùng dầu và 200 triệu foot khối khí thiên nhiên mỗi ngày, trở thành nhà sản xuất lớn nhất của vùng Vịnh.
Tại ConocoPhillips, ngân sách cho năm 2008, bao gồm cả việc thăm dò và sản xuất, là 15,3 tỉ USD, tăng hơn gấp đôi so với 5 năm trước.
“Chúng tôi có thể chi đến 20 tỉ hay 25 tỉ USD không? Hoàn toàn có thể,” người phát ngôn của công ty, Gary Russell khẳng định và nhấn mạnh thêm: “Nhưng liệu chúng tôi có thể thực hiện điều đó một cách hiệu quả xét theo khía cạnh đem lại giá trị tối ưu cho các cổ đông không? Có lẽ không”.
Exxon Mobil, nổi tiếng về những giải pháp nghiêm ngặt khi đầu tư vào các dự án năng lượng, đã bị chỉ trích không ít vì không mặn mà với việc đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế như gió và năng lượng mặt trời. Công ty này dự định mỗi năm sẽ chi 25-30 tỉ USD cho các dự án xây dựng và thăm dò trong 5 năm tới. Năm ngoái, Exxon Mobil đã chi khoảng 32 tỉ USD để mua lại cổ phiếu.
Trái lại, BP cho biết trong thập niên tới sẽ dành 8 tỉ USD cho việc phát triển những nguồn năng lượng thay thế như gió, khí hydro và các loại khác.
Tại Washington, đảng Dân chủ đã đề xuất áp thuế 25% đối với các khoản lợi nhuận “bất hợp lý” của 5 công ty dầu hàng đầu. Nếu áp dụng, số tiền thu về cho năm 2007, hơn 120 tỉ USD, sẽ được sung vào một quỹ đầu tư cho các nguồn năng lượng thay thế.
Tuy nhiên, phía đảng Cộng hòa lại cho rằng biện pháp này không thể đẩy lùi giá xăng và sẽ không khuyến khích sản xuất dầu mỏ trong nước. |